Gia đình với việc hình thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh
Gia đình có vai trò đặc biệt, là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách con người, trong đó, giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên nhân cách của mỗi người. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, tấm lòng ái quốc của cha, tình cảm nhân ái, vị tha của mẹ, đức tính thương người, yêu nước, gan dạ từ các thành viên trong gia đình được truyền dạy đến Nguyễn Tất Thành qua tình yêu thương, sự dạy dỗ của đấng sinh thành, đã góp phần hình thành nên nhân cách, tầm nhìn và tư duy vĩ đại của một bậc vĩ nhân, kiến tạo nên mục tiêu, lý tưởng và con đường cứu dân, cứu nước cao cả của Người.
Bác Hồ trong một lần về thăm quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (Ảnh tư liệu)
Gia đình đặt nền tảng hình thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh
Từ xưa ông cha ta đã có câu nói bình dân “cha nào con ấy” xác định tầm quan trọng của giáo dục gia đình, rồi sau đó, tiếp theo là nhà trường với câu “thầy nào trò nấy” xác định trách nhiệm của đạo làm thầy cô.
Những dấu ấn gia đình trong tâm hồn người niên thiếu, nếu về sau có bị phủ lấp bởi bụi bặm thời gian đi nữa, nó vẫn trường tồn như một lớp trầm tích của quả đất. Hẳn là nó không một mình quyết định tương lai của một con người - còn vô số những yếu tố khác can thiệp vào - nhưng có ý thức hay không có ý thức, nó theo dõi ta luôn, nó thuộc về điều kiện phát triển tinh thần của ta, của bất cứ ai. Trong trường hợp của Hồ Chí Minh thì: gia đình cần cù, gương mẫu, trí tuệ, anh hùng là tảng đá nền của nhân cách, tính tình, tư tưởng yêu nước, thương dân.
Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Sắc (1863 - 1929) một người nổi tiếng trong vùng về tinh thần ham học. Khi còn nhỏ tuổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Sinh Sắc phải lao động vất vả và không được đến trường học. Tuy vậy, mỗi khi dắt trâu ra đồng, anh thường dừng lại trước cổng nhà thầy Vương Thúc Mậu, lắng nghe thầy giảng bài. Về nhà rảnh rỗi, anh lại tập viết vào nền đất hay trên lá cây. Sau đó, cụ Hoàng Xuân Đường nhận thấy Sắc thông minh, ham học nên đã tạo điều kiện cho ăn học rồi chọn làm con rể. Nguyễn Sinh Sắc ra công học tập, đậu Cử nhân khoa thi Giáp Ngọ (1894), Năm Tân Sửu (1901), trong kỳ thi Hội cụ đỗ Phó bảng. Đây là tin vui không chỉ cho gia đình mà cả quê hương. Vì từ lâu Kim Liên mới có người đỗ đại khoa. Nguyễn Sinh Sắc được Vua ban áo mão, cờ biển và cho ngựa trạm rước về quê: “Được lệnh quan Tổng đốc Nghệ An, dân làng Kim Liên, làng Hoàng Trù mang trống, chiêng, cờ, quạt, võng điều xuống Vinh đón ông Sắc. Dân làng đang trên đường đi thì gặp ông Sắc khăn gói khoác vai đi bộ về nhà. Dân làng khẩn khoản mời ông lên võng, ông không chịu. Dân phu giương cờ quạt, nổi trống chiêng mừng đón, ông không cho. Ông khuyên mọi người lặng trống chiêng, cuốn cờ quạt, cùng ông đi bộ về làng”. Cụ Sắc cảm ơn tấm thịnh tình của dân làng, nhưng không nhận việc tổ chức đón quan Phó bảng “vinh quy bái tổ”, không chúc mừng linh đình. Tháng 5-1906, cụ Sắc được bổ làm Thừa biện bộ Lễ của triều đình nhà Nguyễn. Ngày 1-7-1909 nhậm chức Tri huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), nhưng vì xử kiện công minh nên bị xử phạt: “Tòng công giáng chức tứ cấp, ly” (giáng bốn cấp - từ Tri huyện làm dân thường - buộc phải đi xa). Từ đó cụ chỉ dạy học và làm thuốc giúp người nghèo.
Người về sau tỏ ra đã không quên bài học khiêm tốn, giản dị của cha. Bài học ông Phó bảng đi bộ được tiếp nối bằng bài học ông Phó bảng cuốc đất làm vườn, nó giúp ta hiểu thêm vì sao Cụ Hồ Chí Minh ở Việt Bắc và ở Hà Nội, ngày ngày đều có giờ trồng trọt, chăn nuôi.
Hơn nữa, Nguyễn Tất Thành chịu ảnh hưởng sâu sắc của người cha - cũng là người thầy học đầu tiên - về tinh thần hiếu học, lòng thương người, tính cương trực, cuộc sống giản dị, xem quan lại chỉ là kẻ nô lệ nhất trong đám người nô lệ, khinh rẻ uy quyền, coi trọng đạo đức, gần gũi nhân dân, thương yêu học trò và tinh thần yêu nước,... Ông cũng là người thức thời không bảo thủ, ủng hộ chủ trương cải cách và duy tân của Phan Chu Trinh, tán thành quan điểm của ông nghè Nguyễn Quý Song: “Muốn đánh Pháp phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp phải biết tiếng Pháp”, ông cho con vào trường Pháp - Việt học tiếng Tây. Thương dân, yêu nước; song cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cũng như nhiều người lúc bấy giờ chưa tìm được con đường, phương thức cứu nước đúng. Tâm trạng của cha sau này được Hồ Chí Minh nêu rõ: “… Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác là nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ…”. Như vậy, ảnh hưởng của ông Nguyễn Sinh Sắc đối với con cái là nền văn hóa bác học xuyên thấm qua một nhân cách yêu nước thương nòi mang màu sắc nhân đạo.
Thân mẫu Bác Hồ là Hoàng Thị Loan (1868 - 1901). Bà là con nhà nho Hoàng Xuân Đường và Nguyễn Thị Kép. Bà Loan là một phụ nữ cần cù lao động, đảm đang, làm nghề nông và dệt vải, hết lòng thương yêu, chăm sóc chồng con. Bà cũng được học ít nhiều, nên thường ru con bằng những câu thơ trong truyện Kiều hay những bài dân ca quen thuộc ở quê hương. Lời hát ru được nghe từ thuở ấu thơ đã in đậm trong tâm trí Hồ Chí Minh suốt cuộc đời. Sau này, ở xa quê, trong lúc hoạt động ở Xiêm (Thái Lan) vào những năm (1828 - 1829) nghe tiếng một bà mẹ ru con, Thầu Chín (tên của Hồ Chí Minh lúc bấy giờ) không khỏi bùi ngùi tưởng nhớ đến mẹ và lời ru của mẹ: “Đối với Sinh Cung, mẹ là một kho chuyện cổ tích, truyện Kiều và ca dao, dân ca. Mẹ thường dạy hai anh em cậu những câu dễ nhớ: Đói cho sạch, rách cho thơm; Thương người như thể thương thân; có công mài sắt có ngày nên kim…Những đức tính quý báu ấy của mẹ như những sợi tơ dệt nên nhân cách Nguyễn Sinh Cung trong thời thơ ấu”.
Có thể nói, ảnh hưởng của Bà Loan chính là nền văn hóa dân gian mang đậm truyền thống dân tộc và những phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân qua tình mẫu tử. Bà đã nêu một tấm gương sáng về nhân cách đạo đức cho con cái học tập. Bằng tấm lòng trách nhiệm và sự mẫn cảm của người mẹ, bà đã vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ cho con những bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý làm người. Tấm lòng yêu thương và hiến dâng của Bà đã góp phần to lớn dệt nên cuộc đời, sự nghiệp đẹp đẽ của chồng và của những đứa con, đặc biệt là Nguyễn Sinh Cung.
Chị cả của Bác Hồ là Nguyễn Thị Thanh (1884 - 1954), có biệt danh là Bạch Liên. Bà đã hoạt động tích cực trong tổ chức chống Pháp của Đội Quyên, Đội Phấn. Cuối năm 1910, bà bị Pháp bắt và được tha vào đầu năm 1911. Do tiếp tục hoạt động yêu nước, năm 1918, bà lại bị bắt giam, chịu án khổ sai 9 năm ở Quảng Ngãi. Năm 1922, bà bị đưa về Huế an trí. Năm 1940, bà về sống ở xã Chung Cự, huyện Nam Đàn, Nghệ An; Năm 1945 về xã Kim Liên.
Đối với chị Thanh, Bác Hồ được đón nhận tình thương vô hạn; chị đã hy sinh hạnh phúc riêng để giúp gia đình vượt qua khó khăn từ khi bà Loan mất. Năm 1946, sau khi cách mạng thành công, bà Thanh ra Thủ đô gặp Bác Hồ. Hai chị em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Bà trở về quê và qua đời năm 1954. Cô Nguyễn Thị Thanh xứng đáng là người chị cả đáng kính của Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
Anh hai Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyễn Tất Đạt, 1888 - 1950), tham gia hoạt động chống Pháp trong tổ chức Đội Quyên, Đội Phấn và bị thực dân Pháp bắt năm 1914, kết án khổ sai 3 năm, sau tăng lên 9 năm khổ sai ở Ba Ngòi (Nha Trang, Khánh Hoà). Năm 1920, ông bị chuyển về quản thúc tại Huế. Ở đây, ông vẫn hoạt động yêu nước. Năm 1940, được về quê, ông vận động cải cách hương thôn và truyền bá tư tưởng mới bị bắt giam (27/8/1940), nhưng mãi đến (16/8/1941), Nguyễn Sinh Khiêm mới được ra khỏi nhà tù Vinh.
Ông Khiêm tính ngang tàng, hay thương người; tuy túng thiếu, song ông sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho người nghèo khổ.
Ông mất ngày 25 - 8 - 1950. Trong thư “Gửi họ Nguyễn Sinh”, ngày 9-11-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh ốm tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.
Than ôi! Tôi chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.
Những người thân trong gia đình mà Bác Hồ được sống gần gũi - bà ngoại, cha, mẹ, chị gái, anh trai - đã có ảnh hưởng lớn đối với Người lúc còn thơ ấu, đã góp phần sớm hình thành ở Người lòng yêu quê hương, đất nước, tình thương người. Trong đó, cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc có ảnh hưởng lớn nhất.
Tắm gội trong cái nôi văn hóa gia đình, đặc biệt là thân phụ mẫu, đã dạy cho Nguyễn Sinh Cung những bài học đạo đức, nhân cách đầu tiên. Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc với trí thông minh tuyệt vời, nghị lực lớn lao và lòng yêu nước nảy nở sớm ngay từ nhỏ đã thu nhận vào mình những tinh hoa của gia đình, những trăn trở của khổ đau, những ưu tư dào dạt, những mơ ước khát khao, những căm uất giận hờn, những quyết tâm sắt đá của bao kiếp sống, bao nỗi niềm của người thân, nhất là trong cuộc sống mà văn hóa gia đình mang theo… Theo gương sáng của cha mẹ cũng là hiếu thảo. Gia đình là nguồn cội ảnh hưởng rất sâu sắc đến Người lúc thiếu thời, góp phần to lớn hình thành động lực, tư tưởng yêu nước, thương dân và nhân cách Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.
Việc tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của một cá nhân, đặc biệt là những anh hùng, vĩ nhân, như Hồ Chí Minh, cần phải đặt trong bối cảnh lịch sử, trong mối quan hệ với đất nước, quá khứ lịch sử, thời đại và quê hương, gia đình. Những nhân tố như vậy có ảnh hưởng đến nhân vật lịch sử.
“Cội nguồn” yêu nước Hồ Chí Minh - một số khái quát điển hình
Trong giới nghiên cứu Hồ Chí Minh ở nước ngoài có một số người đã trở về “Cội nguồn” của Hồ Chí Minh để giải thích vì sao Người đã trở thành “một người yêu nước cuồng nhiệt”, “một người cộng sản chân chính”.
Trước hết, Louis Arnour, Chánh mật thám Đông Dương những năm đầu thế kỷ XX, đã khảo sát tình hình Nghệ An, Trung Kỳ, rút ra một nhận xét rằng: “Cuộc đời này (tức Nguyễn Tất Thành - TG chú) như vậy là đã bắt đầu trong không khí bất công, oán hận và phẫn nộ căm thù chống lại nước Pháp”. Với con mắt “tinh đời” của một tên Mật thám, Louis Arnour đã nhận thấy mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh với quê hương, để thực thi một chủ trương: “cắt đứt mọi mối quan hệ của Nguyễn Ái Quốc với gia đình, quê hương”. Một số người khẳng định rằng, người cộng sản Nguyễn Ái Quốc không phải là “con đẻ của Việt Nam”, càng không phải là “đứa con rứt ruột của vùng quê Nghệ Tĩnh”. Theo họ, sự xuất hiện của người cộng sản Nguyễn Ái Quốc không liên quan gì đến yêu cầu của gia đình, quê hương, đất nước, bởi vì chủ nghĩa cộng sản “hoàn toàn xa lạ với những người nông dân bình thường ở vùng quê Việt Nam”, nó không phải là “yêu cầu”, “sự đòi hỏi” của một xã hội nông nghiệp”.
Một vài trích dẫn như trên để chứng tỏ rằng, nhiều người đã tách rời Hồ Chí Minh với gia đình, quê hương, đất nước nhằm xuyên tạc rằng, “Nguyễn Ái Quốc chọn chủ nghĩa cộng sản làm phương tiện hành động… vì tin rằng chỉ có sức mạnh tàn bạo của chủ nghĩa cộng sản mới có thể tạo cho chủ nghĩa yêu nước của mình một sức mạnh để thành công”, “để sáp nhập nước này vào Quốc tế cộng sản”, để “áp đặt chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam theo mệnh lệnh của Mátxcơva, của Quốc tế cộng sản”.
Những lời xuyên tạc như vậy đã bị lý luận và thực tiễn xoá bỏ, điều quan trọng đối với chúng ta là phải làm sáng tỏ rằng lòng yêu nước bắt đầu từ nguồn cội gia đình và chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Hồ Chí Minh và tất cả những người cộng sản, nhân dân Việt Nam đến chủ nghĩa cộng sản. Bởi vì, trong thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và học tập lý luận, Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam dần dần “… hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Những điều trình bày trên về mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh với gia đình, quê hương cho chúng ta rút ra mấy nét khái quát sau đây:
Một là, lòng yêu nước, thương đồng bào được nảy nở từ lòng yêu gia đình, quê hương, họ hàng, nơi gắn bó từ thuở nhỏ. Như vậy, từ lòng yêu thương gia đình đã mở rộng thành lòng yêu họ hàng, bà con đến lòng yêu thương đồng bào trong cả nước đang sống dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Từ việc được nuôi dưỡng trong truyền thống yêu nước đã hình thành lòng yêu nước, phát triển thành ý thức cứu nước và thể hiện dần ở những hành động cứu nước.
Hai là, thân phụ thân mẫu của Người đã dạy cho Người những bài học đạo đức, nhân cách đầu tiên, từ thuở ấu thơ Nguyễn Sinh Cung được nuôi dưỡng tinh thần yêu quê hương, đất nước, đã nhận thấy những khổ cực của đồng bào,.. ngay chính từ những người thân trong gia đình. Cũng từ gia đình mà khi ở Huế, Người càng nhận thấy rõ sự cách biệt trong đời sống xã hội giữa người giàu và người nghèo, giữa quan lại với người dân bị áp bức.
Ba là, rời Tổ quốc ra đi tìm được con đường cứu nước đúng cho dân tộc, Người đã từ lòng yêu thương đồng bào đi đến sự thông cảm, lòng yêu thương nhân dân lao động bị áp bức trên thế giới, mong muốn và thực sự đã đóng góp vào sự đoàn kết quốc tế của nhân dân các nước thuộc địa cùng chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã từ người yêu nước truyền thống trở thành người lao động, người công nhân rồi người cộng sản.
Quá trình Hồ Chí Minh ra đi từ quê hương, từ Tổ quốc đến nhiều nơi trên thế giới trở thành người cộng sản, chiến sĩ quốc tế “tưởng chừng như đơn giản và tự nhiên. Thực ra, đó là chặng đường chiến thắng với biết bao sự lựa chọn vững chắc, tránh được sai lầm dẫn tới ngõ cụt”. Cuộc đời cách mạng Hồ Chí Minh, tình yêu gia đình, sự gắn bó với quê hương, cùng với lòng yêu nước, tinh thần quốc tế chân chính…, là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.
Bài học ở đây là phải giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, tinh thần, ý thức trách nhiệm đối với quê cha đất tổ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay. Việc giáo dục lòng yêu gia đình, quê hương - cơ sở của lòng yêu nước - cần tiến hành toàn diện, trong trường, ngoài xã hội, ở gia đình, khai thác những ưu thế của các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn, theo hướng phát huy tính tích cực của thế hệ trẻ, với tinh thần tự nguyện, tự giác, học đi đôi với hành./.