"Người nâng niu tất cả chỉ quên mình"
Suốt cuộc đời mình, một Hồ Chí Minh hết lòng yêu thương con người luôn hiển hiện, không phụ thuộc vào hoàn cảnh, thời điểm, là bởi vì: “Ưu điểm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không chỉ đấu tranh cho một lá cờ, cho một sự giải phóng ở bề mặt bên ngoài, Người muốn tiến hành một cuộc chiến đấu cho phẩm giá con người, cho sự giải phóng và phúc lợi của toàn dân và nhờ thế mà cuộc cách mạng Người phát động đã mang tầm cỡ thế giới”[1]. Vì thế, dù đã đi xa, nhưng tấm gương đạo đức cách mạng của một người đã dành trọn đời mình cho dân, cho nước, cho nhân loại khổ đau vẫn sống mãi trong trái tim, khối óc mỗi người yêu chuộng tự do, hòa bình, công lý trên hành tinh này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu niên, nhi đồng. (Ảnh: TTXVN
Tỏa sáng tình yêu thương con người sâu sắc
Yêu thương con người là một trong những điểm đặc sắc để làm nên một Hồ Chí Minh - một trong những vĩ nhân của thế kỷ XX. Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn được UNESCO vinh danh là nói đến tình yêu thương con người rộng lớn, sự cảm thông sâu sắc với những nỗi khổ đau của mỗi thân phận người nói chung, của đồng bào, đồng chí nói riêng… Yêu thương mênh mông trong một tấm lòng bao dung, nhân ái, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chính là triết lý sống nhân văn “ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức đau khổ”. Đó chính là Người đã dành hết tuổi thanh xuân để đi tìm đường cứu dân, cứu nước; là nỗ lực vượt bao khó khăn, làm rất nhiều nghề để kiếm sống, để hoạt động cách mạng nhưng luôn đồng cảm, xót xa trước mỗi bất công mà con người phải gánh chịu; là sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ những người bạn đường, những người dân nghèo, những đồng chí, đồng đội với lòng thương yêu, thái độ trân trọng, nâng đỡ, cổ vũ, động viên… Đó chính là triết lý sống “yêu thương tất cả chỉ quên mình” suốt cuộc đời một con người luôn “thương người như thể thương thân” và đó cũng là chiều sâu trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng nhưng luôn giản dị trong cốt cách một vĩ nhân.
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình thương yêu con người là không phân biệt màu da, chủng tộc, biên giới… nhưng rất cụ thể. Trong suy nghĩ và hành động của Người: Từ người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc rồi trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ những năm tháng trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước đến hành trình tìm đường cứu nước, hoạt động ở nước ngoài, bị cầm tù đầy gian nan, khổ ải hay khi đã trở thành Chủ tịch nước, người đứng đầu Đảng, thì cũng vẫn luôn là phấn đấu vì con người/vì nhân dân, đồng bào, đồng chí… Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ “cư xử nhiệt tình, khiêm tốn, gần gũi, bình dị, giữ mối liên hệ thân mật không cách bức với quần chúng. Quyết tâm và dũng khí đấu tranh của Người xuất phát từ tấm lòng yêu mến nhân dân, sức mạnh và uy tín to lớn của Người cũng bắt nguồn từ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân”, mà còn luôn quan tâm tới lợi ích của nhân dân, nghĩ những điều dân nghĩ, lo những điều dân lo và đã hiến dâng cả đời mình để làm những điều nhân dân mong muốn, hy vọng. Ở bất cứ đâu và làm gì, lòng yêu thương con người của Người cũng hiển hiện, mà biểu hiện cụ thể nhất chính là Người vừa gìn giữ đạo đức cách mạng cao đẹp, gương mẫu thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; dùng 8 chữ đó để giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân, vừa đem hết sức mình kết hợp những lý tưởng của nhân loại với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội. Ở bất cứ nơi nào có cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng, mỗi người đều thấy hiển hiện một Hồ Chí Minh - một tinh thần Hồ Chí Minh dịu dàng, hiền từ, mỉm cười rộng lượng, cổ vũ và động viên với mọi người, ấy “là vì “Bác Hồ”, nhân dân thường gọi Người như thế. Bao giờ Người cũng coi nhân dân là gia đình của mình. Bản thân Người không có gia đình. Cho đến lúc về già, bao nhiêu sức lực, trí tuệ, tình cảm của Người đều dành cho cách mạng”…
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn cùng Đảng tập hợp, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, đưa những người nô lệ xứ An Nam trở thành chủ nhân một nước độc lập, tự do; đồng thời cổ vũ các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc vùng lên đấu tranh để tự giải phóng mình. Đó là sau khi nước nhà giành được độc lập, thì nỗ lực cùng Chính phủ đề ra và thực hiện những quyết sách để chống nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm; trong đó có việc xóa bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, thực hiện quyền tự do, dân chủ, xóa bỏ các hủ tục, các tệ nạn xã hội. Đó là chia sẻ nỗi đau với những thương, bênh binh và thân nhân các gia đình liệt sĩ; là lội ruộng tát nước cùng bà con nông dân; là chọn đến thăm nơi ăn, chốn ở của những người công nhân trước khi vào hội nghị; là gửi quà, tiền tiết kiệm của mình để ủng hộ bộ đội, mua nước uống cho những người lính trực gác máy bay Mỹ; là “tự do cho mỗi đời nô lệ. Sữa để em thơ, lụa tặng già”… Đó còn là những lời căn dặn đầy ân tình trong bản Di chúc lịch sử như “đầu tiên là công việc đối với con người”, nên phải chăm lo cho “cán bộ, binh sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong”… để họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn; là cần phải quan tâm đến “cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu” để giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét; là phải vừa dùng giáo dục vừa dùng pháp luật để cải tạo và giúp “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... trở nên những người lao động lương thiện”; là miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất…
“Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta”
Cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là vì con người và hạnh phúc của con người, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một người yêu hoà bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc mình, nhân dân mình, mà Người còn luôn luôn đứng về phía độc lập, công lý, phồn vinh của loài người và đấu tranh không mệt mỏi để thực hiện những mục tiêu cao cả đó. Người đã hiến dâng tất cả cuộc đời vì sự nghiệp của nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng Việt Nam và vì cách mạng thế giới. Vì thế, trước khi đi xa, Người không chỉ “để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” trong Di chúc, mà còn “đau lòng” vì “sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”, nên mong rằng “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”…
Nhân loại yêu chuộng tự do, hòa bình, công lý; những người bạn, anh em, đồng chí nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh không những vì Người đã có những cống hiến vĩ đại cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và nhân dân các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc, mà còn là “vì đạo đức tuyệt vời của Người, và vì ánh sáng mà Người đã toả ra khắp nơi. Vị nguyên thủ ấy, nhà lãnh đạo được mọi người tôn kính ấy, người đã làm cho bọn đế quốc phải kinh hồn khiếp vía ấy, chính là một người có đức tính dịu dàng, khiêm tốn, chỉ nghĩ đến người khác. Những đức tính tốt đẹp đó của Người đã biến thành một sức mạnh”, giúp mỗi người dũng cảm tiến về phía trước, đấu tranh vì tương lai.
Yêu thương con người, nên từ khi nước nhà giành được độc lập, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đều phải xuất phát từ con người, lấy con người làm trung tâm; đều phải được xây dựng và thực hiện trên tinh thần “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”; đều phải hướng về địa bàn cơ sở, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu thiết thực của nhân dân về cả vật chất và tinh thần (chăm lo cho dân từ những điều cụ thể như nơi ăn, chốn ở, tương, cà, mắm, muối,v.v.. cho đến việc được học hành, chăm sóc y tế, bảo hiểm xã hội, nhất là đối với những người có công, những người yếm thế do tật bệnh, tai nạn…) để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Dù phải gian lao tìm đường cứu nước, lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp kháng chiến hay khi đất nước đã hòa bình, non sông liền một dải, thì tâm nguyện lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vẫn là “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”; là “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” và “cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc cho quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”…
Vì thế, để khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực sinh động; để học và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng cao cả của một người “hoàn toàn hiến dâng cho sự nghiệp của nhân dân và cách mạng, từ ý chí kiên cường bất khuất của Người trước kẻ thù đế quốc, trong mọi tình huống, từ đức độ khiêm tốn của Người, từ tài năng của Người áp dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo, từ lòng trung thành của Người đối với chủ nghĩa quốc tế vô sản, chúng ta học được những bài học vĩnh cửu cổ vũ chúng ta hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn nữa”, thì mọi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị đều phải gương mẫu hoàn thành trọng trách vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân; đều phải thống nhất giữa nói và làm; dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Theo đó, phải thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"” cùng với Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương” và Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm” nghiêm túc, thiết thực; coi đó là nhu cầu tự thân, tự giác, trở thành nền nếp của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức./.